Theo các chuyên gia, đợt dịch thứ tư đã đóng băng ngành nghỉ dưỡng, chỉ có chiến dịch vaccine thần tốc mới giải cứu được thị trường này.

Không giống như các đợt bùng phát trước đây, làn sóng Covid-19 lần thứ tư là đợt dịch lớn nhất và phức tạp nhất tại Việt Nam đã tác động mạnh đến nhiều ngành nghề, trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng kiệt quệ do hụt đà hồi phục mùa cao điểm du lịch trong nước (dịch bùng phát đầu mùa hè cuối tháng 4 đầu tháng 5).

Nhiều chuyên gia dự báo bất động sản nghỉ dưỡng chỉ còn một kỳ vọng lách qua khe cửa thoát hiểm bằng chiến dịch vaccine thần tốc và áp dụng hộ chiếu vaccine để phục hồi thị trường đang khủng hoảng trầm trọng.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết, ngành khách sạn đã chứng kiến sự hồi phục nhẹ trong tháng 4 khi công suất phòng trung bình trên cả nước đạt 31%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch ở Việt Nam (vào tháng 3/2020). Tuy nhiên, làn sóng dịch thứ tư đã lập tức gây sụt giảm mạnh công suất phòng về mức 10% trong tháng 6 năm nay. Các khách sạn tại TP HCM càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong đợt dịch lần này, chỉ một số ít nơi có thể đạt công suất thuê ở mức hai con số trong tháng 6.

Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam (CAA) cho thấy, số chuyến bay phục vụ trong tháng 6 giảm 74% so với cùng kỳ và 76% so với tháng trước. Công ty dữ liệu hàng không OAG ghi nhận Việt Nam cũng là quốc gia có mức sụt giảm công suất phục vụ lớn nhất trong nhóm 20 thị trường hàng đầu trong tuần đầu tiên của tháng 6, sau khi TP HCM và một số tỉnh thành thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo ông Mauro Gasparotti, ngành bất động sản nghỉ dưỡng hiện chỉ còn trông chờ vào chiến dịch vaccine mới giải cứu được thị trường. Yếu tố then chốt là cần phải triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng và hiệu quả nhằm hỗ trợ quá trình khôi phục hoạt động du lịch một cách an toàn và ổn định hơn trong thời gian tới.

Nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao, đạt miễn dịch cộng đồng, đang từng bước tiến hành việc mở cửa lại biên giới. Chẳng hạn như các quốc gia ở châu Âu, Mỹ và các điểm đến đã sớm nắm lấy cơ hội tái thiết lập các hoạt động du lịch đối với du khách quốc tế thông qua chương trình hộ chiếu vaccine.

Mùa hè năm nay, các quốc gia châu Âu là một trong những nơi sớm nhất mở cửa lại biên giới cho khách du lịch sau hơn một năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Tùy vào tình hình, mỗi điểm đến sẽ đưa ra các yêu cầu khác nhau đối với dụ khách, hoặc chỉ mở cửa đối với du khách đến từ một số quốc gia cụ thể.

Từ tháng 6, Pháp mở cửa trở lại cho khách du lịch từ một số nước dựa theo tốc độ tiêm chủng và tình hình kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia đó. Italy cũng đã mở cửa và không yêu cầu áp dụng cách ly đối với du khách đến từ một số nước như Mỹ, Canada và Nhật Bản. Ngành du lịch Tây Ban Nha cũng đang mong đợi một mùa hè rực rỡ sau khi nới lỏng các yêu cầu kiểm soát đối với khách du lịch từ Anh, và cũng đã mở cửa biên giới cho du khách đến từ Mỹ.

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã bắt đầu rút ngắn thời gian cách ly xuống chỉ còn 7-10 ngày đối với những du khách đã được tiêm chủng và đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong khi đó, Thái Lan đang tiên phong trong việc thử nghiệm mở cửa đón khách quốc tế bằng việc triển khai chương trình Phuket Sandbox.

Tại Việt Nam, Phú Quốc đang được đề xuất là địa điểm đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình đón khách quốc tế. Theo chương trình thử nghiệm này, khách du lịch có thể đến Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê bao (charter flight) và sẽ lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng tách biệt với các hạn chế về mặt di chuyển.

Hiện tại, chính quyền địa phương mong muốn khởi động kế hoạch thí điểm này với thị trường du khách Nga trước khi chào đón du khách quốc tế từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc và Đài Loan. Để thực hiện chương trình này, chính quyền địa phương đề xuất ưu tiên tiêm phòng cho 100.000 cư dân của Phú Quốc.

Tuy nhiên, Giám đốc Savills Hotels APAC đánh giá, để thí điểm chương trình hộ chiếu vaccine cần tiến hành đánh giá thêm nhiều yếu tố kỹ thuật và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai việc thí điểm mở cửa đón khách quốc tế. Mặt khác vẫn cần thêm thời gian mới có thể phát huy hiệu quả hoàn toàn khi nhiều quốc gia vẫn chưa sẵn sàng mở cửa biên giới. Đối với Việt Nam, trước mắt có thể cân nhắc việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát như rút ngắn thời gian cách ly với du khách đã được tiêm chủng đồng thời cẩn trọng quan sát các quốc gia đi trước trong việc triển khai các chương trình này.

Ông Trang Minh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị North Stars Asia dự báo, cửa thoát hiểm cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gồm có 2 cánh là chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả và tâm lý người dân sẵn sàng với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Cần phải hội đủ cùng lúc cả hai điều kiện này ngành nghỉ dưỡng mới bắt nhịp được đà hồi phục song mục tiêu này vẫn còn khá sớm khi số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước vẫn ở mức cao.

Đối với hộ chiếu vaccine, ông Hà cho rằng các cơ quan quản lý nên thận trọng đánh giá nhiều yếu tố kỹ thuật trước khi tiến hành thử nghiệm, thí điểm vì mục tiêu an toàn phải được đặt lên trước mục tiêu phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng rào cản của hộ chiếu vaccine cũng không hề nhỏ, đó là hiện nay khách quốc tế vẫn phải chấp hành quy định cách ly khi nhập cảnh để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, cần phải đánh giá liệu việc triển khai chính sách hộ chiếu vaccine ảnh hưởng thế nào đến hoạt động du lịch nội địa. Bởi lẽ, khách du lịch Việt Nam, đặc biệt là những người chưa tiêm vaccine, có thể e dè khi lựa chọn điểm đến mở cửa với du khách nước ngoài có hộ chiếu vaccine.

Nhiều chuyên gia cho rằng trước khi kỳ vọng vào cánh cửa thoát hiểm là chiến dịch tiêm vaccine thần tốc và áp dụng thí điểm hộ chiếu vaccine, việc cần làm hiện nay là các doanh nghiệp ngành du lịch nghỉ dưỡng phải vượt khó để tồn tại.

Ông Hylton Lipkin – Tổng Quản Lý Alba Wellness Valley by Fusion tại Huế cho rằng đây là thời điểm các khách sạn nên xem xét và đánh giá lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn nhằm phân bổ các nguồn lực hiệu quả hơn. Các biện pháp này không chỉ nhằm mục đích thích nghi và tồn tại trong điều kiện hiện nay, mà còn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khách sạn trong dài hạn.

Tương tự, ông James Young – Phó Giám đốc Hoạch địch và Phát triển Nguồn lực, Tập đoàn WMC nhận định, trong bối cảnh nhiều biến động và khủng hoảng do tác động khó lường của đại dịch, đang có rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực du lịch khách sạn phải gồng gánh hoạt động kinh doanh để tồn tại. Vì vậy, mục tiêu vượt qua tác động tiêu cực từ thị trường được đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính đến cơ hội hồi phục trong tương lai.