TP HCM - Giá thuê của nhiều căn nhà mặt tiền hiện giảm 30-40% sau khi các đại gia bán lẻ, ẩm thực, thức uống rút đi.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy sau giai đoạn sàng lọc do Covid-19, 6 tháng nay, mặt bằng nhà phố tiếp tục bị điều chỉnh giá thuê khá mạnh, nhất là những khu vực có khách thuê "sộp" lần lượt trả mặt bằng.
Ông Nguyên, chuyên đầu tư phân khúc nhà phố mặt tiền, cho biết cách đây vài năm, khi mua căn nhà phố tại quận Gò Vấp với giá 40 tỷ đồng, một trong những cơ sở để ông ra quyết định mua tài sản là chủ cũ đã có một hợp đồng cho thuê giá tốt với một nhà bán lẻ hàng tiêu dùng và nông sản quy mô lớn.
Khi chuyển nhượng tài sản, hợp đồng thuê nhà phố mặt tiền này được chủ cũ sang lại cho chủ mới đạt mốc 110 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, khi nhà bán lẻ này rút đi, ông Nguyên cho hay, giá thuê hiện tại chỉ thương lượng được với khách thuê mới ở mức 70 triệu đồng một tháng, giảm hơn 36%.
Trường hợp của ông Nguyên không phải là cá biệt. Ông Hoàn cũng có mặt bằng cho một đơn vị bán lẻ có tên tuổi thuê ổn định với giá 80 triệu đồng một tháng tại TP Thủ Đức. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, khi nhà bán lẻ này trả mặt bằng, ông Hoàn chào giá 80 triệu đồng một tháng không có khách nào thuê. Đến tháng 7, sau nửa năm bỏ trống, ông chấp nhận cho khách mới thuê kinh doanh đồ gia dụng, song chỉ ký được giá thuê thấp hơn mức cũ 30%.
Tương tự, chủ một căn nhà phố mặt tiền trên đường Trần Bình Trọng, phường 5, quận Bình Thạnh tiết lộ, từng có hợp đồng cho thương hiệu bách hóa thuê 180 triệu đồng một tháng. Thế nhưng, khi đại gia bán lẻ này rời đi vào tháng 5/2021, phải mất hơn một năm sau chủ nhà mới tìm được khách khác trám chỗ trống, với mức giá thuê 120 triệu đồng, bị sụt giảm hơn 30% so với mức đại gia bán lẻ từng trả.
Một mặt bằng nhà phố trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, thậm chí còn có giá thuê lao dốc đến 46% khi thương hiệu ẩm thực tên tuổi rời đi. Môi giới phụ trách hợp đồng thuê này cho hay, trước đây một thương hiệu piza đã thuê dài hạn mặt bằng này với giá 65 triệu đồng một tháng và đã trả hôm tháng 6/2020. Phải chờ đến gần 2 năm sau, chủ nhà mới cho thuê lại với giá 35 triệu đồng một tháng.
Ông Đạt, môi giới chuyên phân khúc phố mặt tiền tại quận 1, 3, Phú Nhuận và Bình Thạnh cho hay, ngay cả ở khu vực trung tâm quận 1 cũng từng xảy ra tình trạng "ông lớn" ngành thức uống và ẩm thực rút đi, giá thuê mặt bằng điều chỉnh 25% nhưng vẫn bỏ trống từ khi dịch bùng phát đến nay chưa tăng trở lại.
Theo ông Đạt, hiện nay danh sách các nhà phố bị các thương hiệu ẩm thực, thức uống và bán lẻ trả mặt bằng khá lớn. Lượng khách thuê mới liên lạc tìm hiểu mặt bằng tuy bắt đầu quay trở lại sau dịch, nhưng bước vào đàm phán về giá thường mất thời gian cân nhắc khá lâu.
Nguyên nhân là sau Covid-19, các đơn vị kinh doanh có động thái rà soát lại mặt bằng, thanh lý bớt các vị trí kém hiệu quả để cắt giảm chi phí cho hệ thống. Trước đây các nhà bán lẻ lớn được ví như khách thuê V.I.P có thói quen vung tiền thuê mặt bằng lớn bằng mọi giá để mở rộng chuỗi và quảng bá thương hiệu. Hiện nay, đại dịch đã khiến nhiều ông lớn thay đổi chiến lược. "Các năm 2016-2018 giá thuê mặt bằng kinh doanh lẻ liên tục lập mặt bằng mới, được đà vọt lên cao nhưng giờ giá thuê đã trở lại mặt đất", ông Đạt nhận xét.
Thạc sĩ Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia xác nhận, mặt bằng nhà phố đã tăng trưởng về giá thuê mạnh mẽ trong những năm trước đại dịch. Giai đoạn 2016-2018, các ông lớn bán lẻ phát triển nóng theo chuỗi nên ra sức tranh mặt bằng, gián tiếp đẩy giá thuê toàn thị trường lên cao và ít nhiều tạo ra sự nhiễu loạn về giá. Tuy nhiên, dịch bệnh 2 năm qua đã khiến mọi thứ hạ nhiệt. "Kịch bản dùng tiền thuê cao để tranh mặt bằng hiện nay đã không có đất dụng võ", ông Hà nhận định.
Chủ tịch North Stars Asia cho rằng các thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê tại TP HCM hiện nay phân hóa thành 2 nhóm. Nhóm mặt bằng vị trí đắc địa có thể vẫn may mắn được các nhà bán lẻ cân nhắc thuê với giá bằng hoặc "mềm" hơn đôi chút so với trước đây.
Trong khi đó, nhóm mặt bằng nhà phố thường thường bậc trung, chủ nhà cũng phải dần làm quen với kịch bản màu xám. Lúc nền kinh tế tăng trưởng tốt, việc cho thuê rất thuận lợi, giá cao, đương nhiên chủ nhà được lợi. Thế nhưng, hiện kinh tế gặp khó khăn, nếu vẫn không chịu giảm giá thuê phải chấp nhận cảnh bỏ mặt bằng trống. "Chờ đến khi nền kinh tế thật sự phục hồi và tìm ra được khách thuê sộp như xưa, lúc đó chủ nhà cũng thiệt đơn thiệt kép", ông Hà cho hay.
Vũ Lê
Nguồn: VnExpress