Ngày 08/8/2017, tại Hà Nội, đồng chí Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cùng lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế đã tiếp và trao đổi với Ngài Mát-thiu Ki-li-an, Cán bộ chương trình Văn phòng khu vực Châu Á và Châu Âu của Cục phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng các cán bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.Chào đón Ngài Mát-thiu Ki-li-an và các cán bộ của Đại sứ quán cũng như của Cục phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Thẩm phán Lương Ngọc Trâm cảm ơn Đoàn đã dành thời gian đến thăm và trao đổi công tác với TAND tối cao Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thẩm phán Lương Ngọc Trâm đã giới thiệu tổng quát về hệ thống TAND; về án lệ; về số lượng, chức năng nhiệm vụ của Thẩm phán TAND Việt Nam, trong đó số lượng Thẩm phán nữ hiện nay cũng chiếm khoảng 38% và ở Tòa án nhân dân tối cao có 4/17 Thẩm phán là nữ, trong đó có 1 Thẩm phán là Phó Chánh án TAND tối cao.
Đồng chí Thẩm phán Lương Ngọc Trâm cũng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ quán Hoa Kỳ, đã tạo điều kiện để Đồng chí tham gia Hội nghị thường niên lần thứ 39 của Hiệp hội Thẩm phán nữ Hoa Kỳ (NAWJ) được tổ chức từ ngày 11-15/10/2017 tại Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ. Thẩm phán Lương Ngọc Trâm nhấn mạnh, việc được mời tham dự Hội nghị của Hiệp hội Thẩm phán nữ Hoa Kỳ là cơ hội tốt để tìm hiểu sâu hơn về mục tiêu, tôn chỉ hoạt động, việc thành lập và cơ chế vận hành của Hiệp hội này tại Hoa Kỳ.
Toàn cảnh buổi tiếp
Ngài Mát-thiu Ki-li-an cảm ơn sự đón tiếp trọng thị cũng những tình cảm chân thành mà cá nhân Thẩm phán Lương Ngọc Trâm cũng như TAND tối cao Việt Nam đã dành cho Đoàn.
Trao đổi tại buổi tiếp, hai bên cũng gợi mở một số nội dung hợp tác về lĩnh vực tư pháp trong thời gian tới như đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án về kiến thức pháp luật mới, kỹ năng xét xử vụ án trong các lĩnh vực cụ thể (án kinh doanh thương mại, các vụ án ma túy, mua bán động vật hoang dã, buôn bán hàng cấm, tội phạm xuyên quốc gia...); Hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý án tại Tòa án (có thể làm thí điểm tại một vài Tòa án trước); số hóa các thông tin về vụ án để có thể khai thác sau này phục vụ công tác quản lý toàn bộ hệ thống Tòa án và hỗ trợ cho công tác nhân sự; Hỗ trợ việc xây dựng và phát triển hệ thống án lệ (Hoa Kỳ rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và Việt Nam cũng mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ Hoa Kỳ; Đào tạo kỹ năng viết bản án; Nghiên cứu mô hình hòa giải bên cạnh Tòa án…
Nguyên Anh
Nguồn: